Hồn treo vách đá, ôi nỗi đau lèn Cờ!

Có thể thời gian gần đây, những tin tức dồn dập về thiên tai, động đất, sóng thần… trên thế giới đã khiến một số người cảm thấy dửng dửng với những tại nạn đang xảy ra trong nước, cướp đi bao sinh mạng đồng bào ruột thịt của mình!
Thật thương tâm thay, những con người vì mưu sinh, chấp nhận làm những công việc nặng nhọc tại các mỏ khai thác đá, đặt cược tính mạng mình vào vách đá cheo leo, hay thản nhiên đội “tử thần”, để rồi gần 20 sinh mạng đã tử vong trong vụ sập mỏ đá lèn Cờ (xóm Hợp Thành, xã Nam Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An).


 
Trời đồng chiêm huyện lúa Yên Thành (Nghệ An) vừa tảng sáng thì tiếng sập mỏ đá trên lèn (núi đá) Cờ phía tây xã Nam Thành rung lên. Hàng trăm người chạy ùa ra, rồi ở đó bắt đầu vỡ òa những tiếng khóc...
Sáng 1/4, hàng trăm người dân đứng chật con đường làng mù bụi, vây kín phía trước vùng đá sập. Ông Kha - người chứng kiến vụ tai nạn từ đầu - kể: “Lúc 6g, tôi đang vác đá ở mỏ đá bên cạnh, cách chỗ xảy ra tai nạn chừng 100m, thấy mái đá ở khúc giữa của lèn Cờ rung rinh và như đang trôi xuống. Chúng tôi hét báo cho những người đang vác, đội đá và xay đá dưới chân lèn. Nhưng trời ơi, họ chạy không kịp, hàng chục tảng đá khổng lồ đổ sập xuống trong chớp mắt. Rất may, có năm người làm ở vòng ngoài nghe chúng tôi hét liền vùng chạy nên may mắn thoát chết. Chúng tôi cũng hùa nhau chạy khỏi lèn đá như những người mất hồn”. Ông Kha cho biết những người thiệt mạng đều đang làm thuê cho Công ty TNHH Chín Mến.
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - phó giám đốc Công an Nghệ An - chỉ tay về phía hang đá bị sập thứ nhất nói: “Đá chèn chống lên đá tạo thành hai hang đá. Tại hang thứ nhất, lực lượng cứu hộ đã tìm được 11 người, trong đó có 5 người chết, 6 người bị thương nặng được đưa về cấp cứu tại Bệnh viện 115 Nghệ An và Bệnh viện Đa khoa Nghệ An”.

Thi thể nạn nhân thứ sáu được lực lượng cứu hộ tìm thấy dưới chiếc xe càng vụn nát (xe chở đá ở nông thôn) vào lúc 10g.
Đến trưa, Quân khu 4 tăng cường gần 100 cán bộ chiến sĩ tới hiện trường, nâng tổng số lực lượng cứu hộ lên gần 300 người. Sau hai giờ nỗ lực phá đá, có thêm bốn thi thể nạn nhân được đưa ra khỏi hang đá thứ hai.
Khoảng 15g, các máy cẩu, máy kích hạng nặng bắt đầu vào cuộc. Những tảng đá nặng hàng tấn lần lượt được cẩu lên. Hai thi thể nữa được đưa ra khỏi hang thứ hai.
Một giờ sau, lực lượng cứu hộ tiến hành khoan đá, nổ mìn mở cửa hang thứ hai. Đến chiều tối qua, ông Nguyễn Tiến Lợi - chủ tịch UBND huyện Yên Thành, tổng chỉ huy lực lượng cứu hộ - cho biết đã tìm thấy thêm bốn thi thể nạn nhân. Theo ông Lợi, có hai nạn nhân được xác định đã chết nhưng chưa lấy được thi thể. Như vậy, có 16 thi thể được lực lượng cứu hộ tìm thấy, hai người được xác định là chết nhưng chưa lấy được thi thể, sáu người khác bị thương.



Nhân chuyến đi công tác miền Bắc năm 1999, khi ngang qua núi Đá Bia (hay Thạch Bi Sơn), đoàn chúng tôi dừng lại uống nước, tôi có thời gian quan sát những người thợ khai thác đá tại Tuy Hòa, Phú Yên. 
Lòng tôi se lại khi nhìn họ treo mình vào mỏm đá trên độ cao chênh vênh đến chóng mặt, tiếng máy khoan đá ì ầm vang lên, những tảng đá lớn nhỏ lăn xuống chân núi. Sao họ quá coi thường mạng sống mình đến thế? Họ đang làm xiếc với cuộc đời hay là những con người chấp nhận “Hồn treo vách núi”? Là thợ điện, tôi đã từng leo lên cột điện với dây an toàn, vậy mà đôi khi vẫn còn cảm thấy nguy hiểm. Tôi tự tìm câu trấn an: Sinh nghề tử nghiệp mà, họ đã có nhiều kinh nghiệm rồi!
Năm 2007, tôi đã có thời gian làm việc gần 10 ngày ở Hà Tĩnh. Khi đi tham quan các thắng cảnh địa phương, xe chúng tôi khổ sở vì bụi đá, vì những đoàn xe “tru (trâu) điên” đua nhau giành đường, vượt ẩu, rơ moóc chuyên chở đất, đá từ khu mỏ đá, nơi cả ngàn con người đang bám đá mưu sinh tại chân núi Hồng Lam, Hà Tĩnh. Họ thản nhiên đội “tử thần” để kiếm miếng cơm manh áo. Quan niệm thật giản đơn, sống chết có số khi họ chọn hốc đá, hoặc những căn chòi được dựng lên một cách sơ sài, hai bên bằng đá, phần mái là những tấm ván, tấm bạt là nơi trú mưa và tránh nắng sau giờ lao động. Trên đầu họ, các tảng đá có thể rơi xuống bất kỳ lúc nào!

Tôi tự hỏi, ai cứu lấy những mạng người rẻ mạt dưới các mỏ khai thác đá?

Mang theo những ưu tư đau đáu bên người đến nhà thờ tham dự Thánh lễ, thật trùng hợp khi Lời Chúa thứ Sáu sau CN III Mùa Chay dạy: “… Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ítraen, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình… ” (Mc 12,28-34) đã giúp tôi tìm được lời giải đáp cho chính mình:

Biết rằng cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng ta không thể coi thường mạng sống Chúa ban. Cũng vậy, không thể vì lợi ích cá nhân hay một nhóm người, mà quên đi lợi ích, nhân phẩm, sinh mạng người khác. Để giải quyết tận cội rễ vấn vấn nạn này, không gì khác hơn là mọi người hãy thực thi Lời Chúa: “Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình (Mc 12,33).




Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

SAO KHÔNG TẠ ƠN CHÚA

MẸ ƠI, SAO NỠ BỎ CON!

Thực thi mến Chúa yêu người - Khó thật (02-9-2020)